“Cháu gái của cô cũng thích làm hướng dẫn viên du lịch (HDV) như cháu vậy, nhưng bố mẹ nó nói nghề này thất đức nên quyết không cho nó theo!”. 1 cô khách tầm tuổi mẹ mình nói với mình, và tất nhiên là ngay sau đó thì mình cũng đã tặng cho cô cả 1 bài “thuyết minh” (phát sinh nhưng miễn phí) dài ngoằn, ngay lúc đó!
Và nếu bạn cũng đang mơ hồ “hướng dẫn viên là gì?” thì để mình giải thích cho bạn:
Cần những gì để làm 1 HDV?
1. Học rất giỏi, biết hầu hết tất cả mọi thứ: lịch sử, địa lý, văn hóa, ẩm thực, ngôn ngữ, kiến trúc, danh nhân. Nhiều lúc thậm chí còn có cả thiên văn, hóa học, vật lý… Và tất nhiên là phải có tài ăn nói để truyền đạt lại những đề tài kia đến tai khách. Nhưng đó chỉ mới là điều kiện cần, để trở nên nổi bật hơn phần còn lại, nhiều anh em còn phải biết chơi nhạc cụ, tập luyện beatbox, ảo thuật hoặc 1 tài năng nào khác nữa. 2. Có sức khỏe cực kỳ tốt, hoặc chí ít là sức chịu cực phải rất lớn vì “văn phòng” làm việc của họ thường không phải là phòng điều hòa mát lạnh, mà là mưa, là nắng, là gió ở ngoài đường. Là những buổi sáng phải dậy từ 2, 3 giờ sáng để chuẩn bị cho 1 chuyến tour khởi hành vào lúc mặt trời mọc. Là những bài nói luyên thuyên hàng giờ ở trên xe rồi ngồi xuống nóc thuốc ngay tại chỗ để bảo vệ cho thanh quản của mình để… nói tiếp cho tới hết ngày làm việc. Và mình đã từng có lần nói từ 02:00 tới 22:00 các bạn ạ. Tất nhiên là cũng có những lúc nghỉ ngơi trên xe, nhưng không đáng kể. 3. Là người phải luôn vì mọi người. Vì không phải lúc nào anh/chị ta cũng khỏe mạnh và có tâm trạng vui vẻ. Có thể là anh ta đang cảm thấy không khỏe và cũng đang có nhiều mối lo, nỗi buồn, niềm trăn trở gì đó ở trong lòng, nhưng kệ bà anh ta, chả ai quan tâm cả, việc của anh là phải làm cho mọi người vui và phải đáp ứng gần-như-tất-cả yêu cầu của khách. Ở đây mình liệt kê 3 điều kiện cơ bản nhất để trở thành 1 HDV chuyên nghiệp, tất nhiên là sẽ còn nhiều đòi hỏi khác nữa, những mục 4, 5, 6, 7… khác nữa mà ở đây không thể liệt kê hết được. Túm lại, trên 1 chuyến xe, người HDV “được” kỳ vọng còn hơn cả Google, bởi lẽ Google thì làm gì biết buồn, biết mệt?
Công việc của HDV?
Là làm theo 1 chương trình tour đã được thỏa thuận bởi khách hàng và bộ phận bán tour. Mà thông thường thì do thu nhập cá nhân và doanh thu của công ty du lịch, sales tour thường đồng ý tất cả những yêu cầu của khách, chỉ là để khách đồng ý mua tour, bất chất là họ biết việc thực thi những điều đó gần như là không thể. Đó là còn chưa kể tới những sales tour chưa từng có kinh nghiệm đường tour, thích sao thiết kế vậy.
Kết quả:
1. Chương trình tour nhàm chán hoặc không thể thực thi, không chửi người thiết kế ra nó, chửi HDV. 2. Nhà hàng cơm không ngon, lên đồ ăn muộn. Khách thường sẽ không chửi bếp của nhà hàng hay người đặt dịch vụ nhà hàng, mà chửi HDV. 3. Khách sạn giao phòng muộn, nội thất phòng xấu, wifi yếu. Khách hàng không chửi lễ tân hay lãnh đạo khách sạn, mà chửi HDV. 4. Xe đi lạc, không chửi tài xế, chửi HDV. 5. Trời nắng, chửi HDV. 6. Trời mưa, chửi HDV. 7. HDV không thuyết minh, chửi. HDV thuyết minh sai, chửi. Mà ai chả có khi sai? Mà thậm chí là thuyết minh đúng quá thì cũng bị chửi các bạn ạ, ở cái nước Việt Nam này, nói lên sự thật là 1 cái tội đấy. À mà thuyết minh thì sẽ có người không quan tâm và tỏ ra khó chịu như thể đang bị làm phiền nữa, coi như là cũng bị chửi! 8. Khách xả rác, khạc nhổ ở điểm tham quan. Ban quản lý chửi HDV.
Quyền lợi của HDV? HDV phải hy sinh những gì?
Như đã nói: 1. Đó là thời gian dành cho gia đình và bè bạn, những buổi tụ tập cuối tuần ở phố Tây như vô số anh em thanh thiếu niên khác hầu như không bao giờ diễn ra với họ. Những ngày lễ đưa cô người yêu đi chơi cũng xa xỉ. 2. Đó là danh dự: những yêu cầu quá đáng, những câu chửi rủa tàn nhẫn từ trên trời rơi xuống. Đối với HDV nữ, danh dự của họ sẽ còn bị đe dọa hơn nhiều. 3. Sức khỏe: leo đèo, lội suối, đội nắng, giăng mưa… 4. Nhan sắc:… 5. Tính mạng: bất trắc xảy ra, nghĩa vụ của HDV là bảo vệ đến cùng cho khách hàng. Chuyện HDV phải bỏ mạng trên sông, biển, đường nhựa… để cứu khách hàng của mình xưa nay cũng chẳng hiếm đâu các bạn ạ. 6. Mùa cao điểm, lễ Tết: mọi người nghĩ đó là thời điểm bội thu của HDV, nhưng thực tế là. + Nhà hàng: về nguyên tắc thì phải lo cho khách ăn đến món tráng miệng rồi HDV mới được dùng bữa, tức là khi mọi người ăn gần xong thì HDV mới bắt đầu bữa ăn của mình. Nhiều khi gặp khách cũng “dễ thương”, ăn vừa xong là đòi đi luôn, nhiều anh em đành mang bụng đói lên xe gào rú các kiểu tiếp. Lễ Tết, các nhà hàng đều quá tải, HDV phải làm luôn công việc của phục vụ bàn ở đó. Bàn cho khách ngồi nhiều khi còn chả có, món của khách cũng chả biết bao giờ mới “lên mâm” chứ đừng nói gì tới bàn nội bộ hay ăn nội bộ. Nhiều anh em đồng nghiệp phải nhường luôn cả bàn nội bộ, suất ăn nội bộ của mình cho khách. Khách vừa ăn đồ ăn của HDV, vừa ngồi chỗ của HDV, vừa chửi HDV. HDV vừa nhịn đói, vừa không được ngồi, vừa nghe chửi. (Nói tới đây, nếu ai có ý kiến “biết vậy thì đừng đặt ăn ở nhà hàng làm ăn chụp giật đó nữa!”. Thì câu trả lời là như đã đề cập: hướng dẫn viên không phải là người quyết định sẽ ăn ở đâu!) + Khách sạn: Cháy phòng, hoặc giá phòng phi mã, HDV phải ngủ qua đêm trên xe với vô số khó khăn trong việc đi lại, tắm rửa, đái ỉa… vì không thể kiếm được phòng bình dân cho mình. Chấp nhận thuê phòng giá cao thì coi như tour đó đi làm không công.
**Hiện mình đang cộng tác cho 1 đơn vị đầu ngành, nên những khó khăn về nhà hàng, khách sạn như vừa nêu đã được giải quyết đi nhiều, nhưng nhiều anh em freelancer hiện vẫn còn chịu cảnh đó khi cộng tác với các cty nhỏ lẻ vào mùa cao điểm. Mình thì ổn rồi, nhưng họ thì vẫn đang hy sinh ngày Tết với gia đình để bôn ba vừa ăn bờ, vừa ngủ bụi, vừa nghe chửi đấy các bạn ạ.
Nhắc lại: HDV là những người học rất giỏi, rất rất giỏi, để rồi đổi lại vô sô sự tệ bạc như này! Tất nhiên, không phải chuyến tour nào của vất vả và bất công đầy ắp như vậy đâu, chắc ae HDV bỏ nghề hết mất. Và khách hàng thì cũng có nhiều người rất dễ thương và tạo cho HDV rất nhiều niềm vui trong công việc, nhưng thật lòng mà nói, nhóm này không quá 50% đâu các bạn ạ. Và đúng là cũng có những anh em HDV đã có những việc làm trái với đạo đức nghề nghiệp khiến rất nhiều người có cái nhìn không mấy thiện cảm đến cả 1 “bó đũa” cũng là điều dễ hiểu, nhưng mình cũng không nghĩ là số ấy lại đủ đông để hôm nay toàn bộ anh em cùng “được” lên báo như này và cùng nghe/chịu những cái nhìn hay suy nghĩ lệch lạc trên mỗi đường tour. Đó là lý do mình viết cái bài dài ngoằn này, không phải là để khóc nhè cho mình, mà là để thanh minh cho công việc mình đang làm, để đòi lại công bằng cho đa phần anh em đồng nghiệp vẫn đang cống hiến 1 cách chuyên nghiệp cho nghề nghiệp của mình và kêu gọi phần còn lại làm việc có tâm hơn.
Về bài báo, mình cũng chưa có dịp cầm bài báo trên tay để đọc từ đầu tới cuối, nên cũng mong rằng đó chỉ là dòng “giật tít câu view”. Nhưng người Việt mình thường có thói quen chỉ đọc title bài báo, nên giật vậy cũng ác quá các bác nhà báo ạ. Em đọc mà tổn thương đến phát khóc đấy Cảm ơn mọi người/các ae HDV đã đọc bài!
Nguồn : Bui Binh – TP HCM. ATM